Breaking News

Kể chuyện làng: Nhớ thương hương vị bánh buồn làng cũ

Kể chuyện làng: Nhớ thương hương vị bánh buồn làng cũ - Ảnh 1.

Bánh cấp, bánh cúng. Ảnh: Từ Đạm Tuyền

Ngày còn bé, mỗi khi lỡ miệng nói thèm bánh cấp, bánh cúng là thế nào cũng bị người lớn trong làng la cho một trận. Cũng đúng thôi bởi đây là loại bánh thường chỉ xuất hiện trong các đám cúng tuần, cúng trăm mười ngày hay cúng giáp năm cho người mất theo quan niệm dân gian, nên chẳng biết từ bao giờ chỉ cần đề cập đến tên bánh là người ta mặc định ngay đến chuyện chết chóc, không may.

Nhưng với bọn trẻ con, nếu lỡ cơn "thèm ác nhơn" ập đến thì cũng đành nén lại chứ không dám than, để rồi thi thoảng trong không khí đượm buồn, gặp lại những chiếc bánh nhỏ nhắn có phần ruột trắng nõn, hòa quyện cùng vị dẻo của nếp, bùi của đậu, béo ngậy của nước cốt dừa quyện chặt vào nhau… mà nghe thương hoài cái vị mộc mạc, đặc trưng của quê hương.

Kể chuyện làng: Nhớ thương hương vị bánh buồn làng cũ - Ảnh 2.

Bánh cúng miền Tây. Ảnh: Từ Đạm Tuyền

Theo lời kể của mẹ tôi, bánh cúng ban đầu gọi là bánh cuốn, vì để đựng phần bột bánh, lá chuối dùng làm bánh phải cuốn thành hình ống tròn, dài cỡ tay người lớn. Còn với bánh cấp, trước đây có tên là bánh cặp vì thường hai cái bánh sẽ úp mặt vào nhau và bị cột bằng dây thật chặt.

Lời kể ấy theo bản thân suốt những năm tháng tuổi thơ mãi đến khi lớn lên, theo học chuyên ngành văn hóa dân gian, tôi mới có cơ hội tìm hiểu rõ ngọn ngành. Hóa ra đây là các loại bánh cổ truyền trong tín ngưỡng phồn thực của người Chăm từ xa xưa, được làm từ gạo nếp, một loại thực phẩm được đánh giá là tinh khiết trong tín ngưỡng của người xưa, để dâng cúng thần linh.

Kể chuyện làng: Nhớ thương hương vị bánh buồn làng cũ - Ảnh 3.

Bánh cúng làng quê. Từ Đạm Huyền

Theo quan niệm của người xưa, khi âm dương hòa hợp sẽ sản sinh ra vạn vật đất trời, chính do đó mà hai loại bánh này được làm để dâng cúng, nhằm gửi gắm mong ước về sự sinh sôi nảy nở, phồn thịnh vững bền. Suốt hành trình mở cõi phương Nam, quá trình cộng cư với nhiều dân tộc đã tạo nên nhiều sự tiếp biến văn hóa, hai loại bánh này cũng được đọc thành "bánh cấp, bánh cúng". Và đã thành thông lệ, hễ nhà nào có người vừa mất là mỗi khi cúng tuần, trăm mười ngày, giáp năm… thế nào cũng phải có hai thức bánh đầy đặn âm dương này.

Tuy mang vẻ ngoài đơn thuần, mộc mạc nhưng để có được những chiếc bánh thơm ngon là cả nghệ thuật của người làm bánh. Nguyên liệu để làm chiếc bánh cấp, bánh cúng rất giản đơn, nếp sau khi được xào chung với đậu trắng và nước cốt dừa sẽ được gói tinh tế đúng theo tên gọi và hình dáng mỗi loại rồi đem luộc sau vài giờ sẽ chín. Đến công đoạn gói bánh, tàu lá chuối (chuối sứ hay chuối hột) dùng đều phải tươi, rọc lấy lá, đem phơi hơi héo rồi được đám trẻ trong làng xé thành từng miếng bề ngang cỡ hơn lòng bàn tay, tỉ mẩn lau thật sạch cả hai mặt trong và ngoài.

Ngày còn bé, tôi thường thích ngồi ở một góc bếp lặng lẽ nhìn mẹ và các cô, các dì trong làng gói bánh. Những bàn tay chai sạm, lam lũ vì ruộng đồng quanh năm lại cực kỳ khéo léo khi cuộn từng chiếc bánh. Để cuộn thành công một chiếc bánh đẹp, người cuộn phải khéo léo bắt đầu từ mép lá, cuộn sao cho các lớp lá xếp chồng, hiện vân đẹp mắt, gấp mép ở cuối đầu rồi dùng dây chuối khô xé nhỏ buộc lại.

Kể chuyện làng: Nhớ thương hương vị bánh buồn làng cũ - Ảnh 5.

Bánh cúng. Từ Đạm Tuyền

Thông thường, khi nhà có đám, đội ngũ gói bánh thường là con cháu của những người đã mất, quây quần bên nhau. Câu chuyện góp vào là biết bao ký ức buồn thương về một thời đã qua, về những người đã ra đi như: "Ngày xưa nghèo khó, ba má nuôi mình…", "Phải chi còn ba má, chắc giờ vui lắm"… lặng lẽ tràn ra như những giọt nước mắt cố chảy ngược vào lòng.

Mẹ tôi, mỗi khi ngồi cùng các cô, các dì lại kể về chuyện bà ngoại lúc sinh thời, cứ vài ngày lại tích trữ một lon gạo hoặc nếp ở góc nhà. Bà không bao giờ ăn vào phần gạo ấy, dẫu có đôi khi gia cảnh thiếu thốn, ông bà phải rau cháo nuôi nhau. Khi ông ngoại hỏi, bà hiền hậu mỉm cười bảo để dành sẵn, chờ con cháu về gói bánh. Thế mà giờ đây, ông bà đã bỏ con cháu đi xa, những lon gạo nếp để dành năm xưa chỉ còn là hồi ức. Những mẩu chuyện buồn từ thế hệ trước thấm dần vào thế hệ sau, khiến cả lũ trẻ con đang khấp khởi nếm vị ngọt của bánh tự nhiên thấy sao đắng ngắt, man mác vị buồn thương.

Thi thoảng, có dịp quay trở về quê, cầm chiếc bánh trên tay mà lòng tôi xót xa nhớ biết bao chuyện đến – đi vô thường của biết bao người thương yêu. Nhất là những khi thấy đĩa bánh cấp, bánh cúng để sau làn khói hương trên bàn thờ ông bà ngoại. Dường như ông bà vẫn ngồi đó, cười hiền từ bên con cháu, cái bánh trên tay cũng hiền lành như thức quà bình dị của bà năm nào, nhưng sao mỗi khi nếm thử, tôi lại thấy lòng mình đắng chát, nuốt nghẹn từng hồi.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

No comments

Day Nghe Toc Gia Re / Hoc Cat Toc Tai Ha Noi / Tin Tuc Game Hot