Bản đồ tỉnh Thanh Hóa thời vua Tự Đức được đấu giá tại Pháp
Tấm bản đồ tỉnh Thanh Hóa có kích thước 198x90 cm, ra đời năm Tự Đức thứ 31 (năm 1878), sau đó được một người lính đóng quân tại miền Bắc mua lại vào những năm 1940, rồi truyền lại cho thế hệ kế tiếp.
Phần giới thiệu của nhà đấu giá Aguttes cho biết, đây là tấm bản đồ mực trên giấy quý hiếm thể hiện địa hình tỉnh Thanh Hóa và các tuyến giao thông của tỉnh, với khu vực trung tâm là Hạc thành, chú thích bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Hiện vật có hao mòn, ố và vết ẩm, rách nhẹ.
Hạc Thành (hay thành Thọ Hạc, còn gọi Trấn thành Thanh Hóa) là một thành lũy được xây dựng ở Thanh Hóa vào năm 1804 - thời nhà Nguyễn. Về Hạc Thành, Đồng Khánh dư địa chí viết: "Thành tỉnh ở địa phận xã Thọ Hạc huyện Đông Sơn. Thành xây bằng gạch đá, chu vi 630 trượng (có lẽ 2960 m), cao 1 trượng (Có lẽ là 4,7 m), có 4 cửa, hào rộng 9 trượng 3 thước (có lẽ 43,7 m) sâu 7 thước (có lẽ 3,3 m). Các vệ Tuyên Vũ, Hùng Vũ, Nhuệ Vũ bao vòng phía trước; Quảng Vũ, Nghĩa Vũ bao vòng phía sau; Túc Vũ, Công Vũ bao vòng bên trái; Trang Vũ, Kiện Vũ, Cương Vũ bao vòng bên phải. Đồn thủy quân ở địa phận Nam Ngạn, hai vệ Tả, Hữu đóng ở đây".
Phiên "Nghệ thuật châu Á" Arts D'Asie giới thiệu 225 cổ vật, tác phẩm nghệ thuật đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Myanmar... Bên cạnh tấm bản đồ, nhà đấu giá còn giới thiệu một số tác phẩm điêu khắc, gốm sứ có xuất xứ tại Việt Nam như bộ bát khất thực bằng đá (được cho là từ thế kỷ 13-14), bình trà bằng đồng thời nhà Lê (thế kỷ 15-16), khay trà chữ nhật (thế kỷ 19)...
Trước đó, cũng tại nhà đấu giá Aguttes, trong phiên đấu giá mang tên "Danh họa Châu Á - Những tác phẩm nổi bật" (ngày 6/3), bức tranh "Mẹ ru con ngủ" của danh họa Mai Trung Thứ đã được "gõ búa" với mức giá cao nhất. Tác phẩm được trả 462.960 euro (tương đương 11,7 tỷ đồng).
No comments