Breaking News

Kể chuyện làng: Chạm vào nguyên bản

Dẫu vậy, nhà chợ xây rất cao vẫn có 6, 7 phản thịt lợn, họp phiên mỗi chỗ bán một con tám yến, cạnh những chân cẳng, lòng phèo, đuôi, chẳng biết của mấy con trâu. Dãy hàng ăn thưa thoáng, đếm chồng ghế nhựa thì đoán ngày thường tiếp được năm chục khách. Đàn ông là chính, khật khừ bên chén rượu men lá, Tày Nùng có thể phi xe máy chứ Mông gùi cải, măng thì tụt xuống từ những chỏm phủ mây cao đến huyền hoặc. La liệt giống rau, cuốc xẻng, dao liềm, lưới đánh cá. Cạnh dãy quần áo, một bà già bán loại "hái" nhỏ xíu để cắt từng bông lúa về rang, giã cốm. Lạ và thú vị nhất là tất cả đều mặc đúng truyền thống, màu trầm trầm không sặc sỡ như ngoài chợ Bắc Hà, trừ đôi ủng để đi rừng, ra ruộng. Đàn ông quần đen, áo cánh "thửa Tày" khuy tết, mũ vải xanh. Đàn bà áo dài vải bóng sẫm màu cổ viền hoa văn, đội khăn, lưng thắt khăn hồng hoặc cánh sen dễ nhận ra giữa những nấm, cọ, quế trên cao. Những giọng nói lạ tai, mặt mũi tươi mà chân thật, hỏi han dăm ba câu có thể được mời về nhà tha hồ mà khảo, đến bữa không thể về. Cá dưới ao, canh rau đá, đọt cọ hái trên đồi nấu canh xương, sẵn quá.

Kể chuyện làng: Chạm vào nguyên bản - Ảnh 1.

Ruộng bậc thang chờ gặt. Ảnh: Tác giả cung cấp

Lại nồng nồng mùi phân trâu phân ngựa nẫu, khói bếp củi đun cả ngày, cốm chè còn nóng tãi trên nong. Ta đang ở chốn tít tắp, phong tục còn thuần phác, chưa Kinh hóa mấy, càng chưa bị du lịch nhuộm những thói xấu. Mưa xong trời trong uống mãi không say, đỗ xuống chỗ nào trai quê "quần bò mũ cối giả vờ sang chơi" của Đồng Đức Bốn. Thi nhân là giống phiền toái, cứ tiếc những cái đang mất là sao…

Nậm (suối) Kẹ tuột từ dốc cao đổ vào nậm Liền chỗ có con đập, sau cơn mưa đêm qua nước tung bọt trắng. Mẹ con nhà ngựa bạch thủng thẳng gặm cỏ. Gần đấy có căn quán bán mì tôm, bánh kẹo, bim bim xanh đỏ, cổng vào lủng lẳng mấy tổ ong muỗi khô. Thấy khách xa tò mò, cụ ông mặc áo đen khuy tết mũ vải xanh bước ra, nói như với người thân quen: "Ma vào thấy cái này bèn đếm bao nhiêu lỗ, gió lay phải đếm lại, cứ thế đến sáng bỏ đi". Lại chỉ ra suối "Đằng này trước nhiều cá, chó cứ ra sủa, không cần chài bắt bằng tay được. Hoặc đập dập lá thẩm trộn đất vứt xuống, nó ăn say nổi lên, vớt bán chả ai mua. Trâu thả trên núi cọp về bắt, lợn bị sói đuổi cắn thủng đít lòng thòi ra là thường". 

Những chuyện hay quá. Người già thường là túi khôn, pho sử sống của một vùng đất, nên chúng tôi theo vào "tự nhiên như người Hà Nội". Cụ là Lâm A Cô, sinh năm 1933 "Mông Nùng không biết chứ người Tày trong xã thì tôi già nhất". Khách tha hồ nghe, hỏi han bên đĩa cốm nhai mỏi răng thì ngọt ứa ra, rất tốn nước chè và "phát sinh" nhu cầu này nọ. Hôm sau còn thèm tai, quay lại thì cụ Cô dắt lên nhà trên, chỗ anh con trai Lâm A Nhà mới làm lại sau trận đá trên đồi lăn xuống sập gian bếp. Hóa ra người Tày vùng này ở nhà sàn rất rộng, so với Thái Tây Bắc gọi là "mênh mông" được. Bốn năm gian trồng trên dăm chục cột táu, sến, vách và bộ khung bằng dổi, mái cao lợp cọ rất thoáng, chục mâm ngả ra tha hồ. Chỗ giống nhau là đều có bếp lửa, giờ chỉ dùng mùa đông vì chỗ nấu đưa ra sau. Và không có "phòng" riêng, đêm ông bà cọt kẹt mạnh con cháu càng mừng.

Kể chuyện làng: Chạm vào nguyên bản - Ảnh 2.

Cụ Lâm A Cô - "túi khôn" Bản Liền. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cụ Cô giọng đã yếu, tiếng phổ thông lắm khi không lưu loát, nhưng mắt còn đầy thần sắc của người hay quan sát, suy xét và ký ức ngồn ngộn. Chẳng biết có phải một "nghi thức", cụ ra ngăn thờ bầy ảnh bà vợ cả đứng yên một lúc, rồi củ tỷ xưa cũ chảy ra…

"Bản Liền thuộc huyện Bắc Hà, Lào Cai, ngay cạnh Xi Ma Cai cùng tỉnh, rồi Quang Bình, Xín Mần bên Hà Giang, thì Liền có nghĩa gặp nhiều nơi. Nhưng sông suối, dông núi lắm quá nên khó sang, sát nhau đã khác nhiều. Bên Nghĩa Đô, Bảo Yên có họ Cổ, đàn bà mặc váy, tiếng nói, làm lý (như phong tục, kiêng kỵ, làm nhà, xuất hành) không hệt nhau. Nhưng cũng học cái hay, trăm năm trước cột nghiến chôn xuống đất vài năm mục, giờ kê hòn đá như bên Hà Giang được lâu. Bốn năm gian ghép toàn mộng chả có đinh, gió đu đưa bão nghiêng cả nhà mà không đổ. Sợ nhất là nước xuống, sau nhà không làm rãnh thoát thoáng thì sạt, cả khối đất lăn xuống. Nhà cũ tôi có "mó" nước sủi ngay trên nền".

"Tổ tôi họ Hoàng ở Nghệ An, có lẽ gốc Kinh nhưng cũng đồng rừng. Cuối thế kỷ 18, Tây vào nhiều, sợ, cứ chạy dần dần, chẳng biết đánh cá bao nhiêu suối, khai khẩn mấy cánh đồng, ruột thịt lạc hết mới dừng hẳn. Tha hồ ruộng, pỉia (cá) lê miệng ăn rêu đá, rồi lại di ra mường Hát, mường Mã bên Bảo Thắng. Sau hai anh em quay về, Tổ tôi nữa, thành ba nhà "đầu tiên", sau thành mười sáu nếp có trưởng bản. Họ Hoàng chuyển sang Lâm, cụ tôi làm thầy cúng, chỗ thờ vẫn bên phải nhà nhưng kê cao lên để đánh dấu chuyến đi từ Nghệ ra bằng mảng, chết phải mua đất chôn hoặc thả trôi theo suối. Người Tày trong xã còn họ Vàng nữa, như mẹ tôi – không biết chữ mà làm tổ trưởng được".

"Lúc trung tâm chật chội rồi, ông tôi rời ra chỗ nhiều cây kẹ, giống loài giang chẻ lạt, đất mát không có gió nóng, đầu tiên bốn nhà. Mùa đông gió Đông Bắc lạnh chết cây, cả trâu ngựa dưới sàn. Bò thì không vì nó kêu to thổ công thổ địa chả cho, cứ kiêng thế nhưng thực tế nuôi nó cứ gầy dần rồi chết. Nửa chén muối đổi được con trâu. Thuốc phiện trồng bán sang Hà Giang chứ không hút. Rừng có nhiều cây táu đổ, bìa gỗ mục nấm mọc thơm ngon như nấm hương. Em trai tôi nhiều năm làm trưởng thôn Pác Kẹ, những hội Lồng tồng (xuống đồng) sau Tết, cúng vào mùa tháng 6 phải đứng ra nhưng ông thầy quan trọng hơn".

"Hỏi đoạn chỉ có ba nhà sinh sôi ra có gần máu, thì tôi không rõ. Chỉ biết qua năm đời được lấy nhau, nhưng cháu chị cháu em thành vợ chồng được vì chị là người nhà khác rồi. Giờ vợ theo chồng, bố mẹ hay ở với con trai út".

Kể chuyện làng: Chạm vào nguyên bản - Ảnh 3.

Cách huyện lỵ Bắc Hà có 22 km, phụ nữ vẫn luôn mặc quần áo dân tộc mình. Ảnh: Tác giả cung cấp

Chuyển sang mạch "thế sự bản thân", té ra cụ Cô từng trải lắm, thảo nào cái nhìn sắc bén. Năm 1954, cụ đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên, chuyển gạo đến Cốc Lếu, qua Sa Pa lên đèo Ô Quy Hồ "đi cả ngày vẫn đồi núi". Rồi về, ngoài hai mươi mới học i tờ bộ đội Vinh trong đội tiễu phỉ (tàn quân Hoàng A Tưởng) dậy, giờ tiếc không hỏi nó quê đâu. Sách chỉ một quyển, của thầy. Lớp hai, lớp ba thầy Hiền ở huyện về thay, trò Cô học xong được phân dạy lại lớp một. "Quá trình" sau đó là trung đội trưởng dân quân trang bị súng K44, Thất cửu, tổ cải cách ruộng đất, thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Văn bản, chủ trương, hướng dẫn đều chữ phổ thông nên "người biết đọc" kiêm luôn nhân viên y tế thôn, phun DTT phòng sốt rét ác tính, vận động "kin thúc nậm phộp" (ăn chín uống sôi). Bây giờ khác nhiều rồi, bà đẻ, bệnh nặng ra huyện cả, bệnh xá xã cấp cứu đơn giản và vận động vệ sinh phòng bệnh là chính. Đây là vùng khó khăn, trẻ được miễn học phí mà chẳng mấy cháu vào được đại học…

Mà người nghe vẫn muốn quay lại những chuyện cổ lỗ hơn và chỉ có ở Bản Liền. Bèn…

"Đời tôi khổ. Bố mẹ rồi anh mất sớm, mình trông nom 5 em, út mới gần một tuổi nên lấy vợ muộn, bà trước mất thì lấy bà này, đẻ đàn con lại mải làm mới đủ nuôi. Sáu mươi tuổi tưởng yên được lại có biến cố. Chứng ngứa gây mất ngủ, bụng ngực đau thắt hành hạ đâm sức rất yếu. Con trai sang Hà Giang xem thầy cúng người Dao, bảo rằng tổ tiên mày có người làm thầy cúng, giờ không nối thì khỏe thế nào. Thành thầy phải có duyên, không phải muốn là được, tôi nghe lời, sống yên đến giờ, nhưng vẫn áy náy chưa ai thay mình".

"Thầy cúng có nhiều loại, như hội Lồng Tồng xuống đồng, hội cúng mùa… có thầy riêng. Tôi thì chuyên gọi hồn. Không có văn bản, bài cúng chả biết có từ bao giờ, ở đâu, mà là học truyền khẩu các cụ để lại, có cả đoạn gốc gác Nghệ An thế nào. Người ốm nặng hồn thoát dần khỏi xác thì "khoẳn ma câu" để gọi trở lại. Hết một bài ném quẻ xem sấp ngửa bằng sừng trâu bổ đôi, không được phải cúng tiếp. Cứ thế, rất lâu và mệt nhưng hồn có cơ quay về".

Câu chuyện đi vào uể oải, người nói mệt người nghe "cào" bụng vì nước chè. Thì cô con dâu ra bảo "Không về được đâu". Dưới cây xà treo bó lúa cầu no đủ ghi ngày khánh thành nhà mới, anh con trai trịnh trọng: "Hôm nay chuyển nhà tròn một tháng, lúa gặt xong, vụ cốm vụ chè vãn nên làm bốn mâm ạ. Sau đây còn bữa tiễn thợ bữa khao bạn, nhiều người giúp đỡ mình lắm". 

Những canh xương, lòng phèo còn hoi, thức chấm cay bỏng lưỡi, những rau lạ miệng chẳng nhớ nổi tên. Thanh niên chốc chốc sang "uống rượu bắt tay biết ngay miền núi", các bà ghé tai "cảm ơn nhé ăn tự nhiên đi". Rơi xuống vài thông tin nữa, như mừng cưới năm chục hoặc trăm nghìn, mà đi không cũng được, hay ống nước sau nhà dài 300 mét, dẫn từ khe "xa người và trâu không leo tới" cho sạch…

Những cơn mưa rừng mau đến mau tạnh để chỗ cho nắng lên thật trong. Hiện ra một cảnh đẹp cổ điển, và nét bất ngờ vì màu sắc đậm, tương phản hẳn. Lúa chín đổ vàng trên ruộng bậc thang, lá cọ lá quế trên đồi sáng bóng. Không khí thoảng mùi chè sao, cốm rang, ngoài trời sạch sẽ, hăng hắc nồng nàn hương bao thứ cỏ, bụi ta chẳng biết tên. Bên kia khe suối, những dàn mướp lủng lẳng quả to, để già cho xơ đóng bán sang châu Âu trang trí nhà cửa hoặc chiếm chỗ trong tác phẩm sắp đặt. Ngược lên trên là đồi mỡ, đề. Tít tắp trên đỉnh, nhỏ tẹo và heo hút trồng vài nếp nhà Mông, tộc người cá tính mạnh, không sợ cô độc. Leo lên tận đấy nhìn xuống thung lũng Bản Liền chắc sẽ có cảm giác với tận trời xanh, nhưng quá sức những anh thành thị thích khám phá. Nên chi ngã vào chỗ có tấm bảng gỗ có dòng chữ "Bản Liền forest homestay" cạnh cột cây số ghi "ĐT (đường tỉnh?)153 – Bắc Hà 22 km".

Vợ chồng Lâm A Nâng, Vàng Thị Cân là một trong bốn hộ làm du lịch của xã. Đất trời, suối rừng còn nguyên bản mà chỉ ngần nấy có vẻ ít, nhưng tôi thấy lại may. Bên Mù Cang Chải hàng năm tỉnh Yên Bái làm lễ hội Ruộng bậc thang, óc "sáng tạo" của người xuôi đã điểm vào tự nhiên những méo mó đến quái đản. Nhà Nâng dựng trên dăm chục cột táu kê đá tảng, rộng rãi như những ngôi trong vùng, có thể cho hai chục khách ngủ với giá trăm nghìn mỗi người. Ngoài những tiện nghi đơn sơ, đủ dùng, vật dụng tre gỗ tạo cảm giác mộc, chỗ này chiếm cái nhìn thật thoáng ra cánh đồng đang trổ vàng. Tiếng mõ trâu lốc cốc trên đồi dường như càng làm tăng thêm sự yên tĩnh. 

Ông A Nhói, bố A Nâng kể: "Chỗ này vốn là bản  Bốc, chỉ con suối cạn và dốc. Khoảng năm 1984, tôi ra đây "khai hoang" (bố mẹ vẫn ở trung tâm xã), vắng người, tha hồ khai khẩn, được mười "héc" rừng đồi làm không hết và đủ nước. Mười năm làm được nhà mới, người Mông đốt nương bỏ dổi, sến, táu đi theo tục "bay lượn luôn luôn không có nhà", tôi vác về dựng. Thợ mộc Hà Nam lên dựng, bàn kê cột chứ không chôn đất nó mục chân". Ông Nhói bé nhỏ, cười tươi tắn và hay đùa, hồi trẻ đi buôn trâu bên Hà Giang về, lái đến tận nơi mua, chắc từng trải lắm. Nhưng nghe kể thế cũng thấy may hơn khôn, gỗ lạt giờ quản lý gắt lắm.

Cũng may nữa khi bất ngờ có nghề mới, thêm thu nhập. A Nâng kể: "Nhà không thiếu ăn nhưng chỉ cháu làm công nhân thủy điện Sông Đà 9. Dự án du lịch (có bên Úc) đi chọn hộ cung cấp rau, cá thịt sạch, thấy nhà có cảnh quan đẹp, đồ đạc nguyên bản bèn vận động làm du lịch lưu trú. Cháu nhận lời, bên hàng xóm còn "để xem sao". Rồi đi học nấu ăn, vài câu giao tiếp tiếng Anh, dọn mâm mây tre không dùng bát đĩa nhựa. Bếp lửa vốn đốt quanh năm, bồ hóng bám trên kèo cột cạo đi cho sáng sủa. Dân Canada, Pháp ưa dừng đây trên cung đường sang Xín Mần, Quang Bình bên Hà Giang rồi quay về Bắc Hà. Những ông xe ôm, với thứ tiếng Anh "kiểu Việt Nam", là hướng dẫn viên du lịch miễn phí tuyệt vời. Bố mẹ, vợ cháu vẫn đi rừng, trông trâu dê và ngựa bạch, tay tím nhựa cây nhưng họ bảo thế mới là homestay". Quả có thế. Sinh hoạt trong không gian gia đình, khách tha hồ "xộc" vào bếp đẩy củi, làm lấy bát muối chấm hoặc chơi với lũ mèo. Bữa ăn cùng gia đình, đà đận bên chén rượu, lại được hỏi han, khám phá bao nhiêu củ tỷ.

Ngoài kia ánh sáng xẫm dần rồi tối hẳn. Bên trên khoảng sân sạch sẽ có những thân tre đổ đất trồng hoa là bầu trời đầy sao. Một ánh đom đóm, tiếng bìm bịp, thật lạ lùng khi nhận ra mình đã quên cách tìm ra chòm gầu sòng để rồi biết đâu là Bắc cực. Ta đang ở ốc đảo, vùng sâu xa quý người, tình cảm, thuần khiết như đất trời sau mưa. Thật may mắn thấy mình chạm vào nguyên bản chưa pha phách, như tìm được miếng hổ phách bọc con ong, con kiến chẳng biết từ khi nào. Nhất định ta sẽ quay lại, sống thật chậm…

Nhưng với ai qua đường nhất thiết phải dương ô, hoặc cái thú lớn nhất khi du lịch là dùng điện thoại thì không hẳn.

10/2022

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

No comments

Day Nghe Toc Gia Re / Hoc Cat Toc Tai Ha Noi / Tin Tuc Game Hot